Gen Z ngày nay sớm phát triển các tư duy hiện đại về tài chính, hình thành tư tưởng kiếm tiền, đầu tư, cũng như đặt ra mục tiêu về “tự do tài chính" từ khá sớm. Không khó để bắt gặp nhiều Z-ers khiến người khác phải “trầm trồ” với những khoản thu nhập hay bảng thành tích đầu tư cực khủng dù tuổi đời còn rất trẻ. Khác với thế hệ cha anh, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu tích lũy tài sản, Gen Z đang nổi lên như những nhà đầu tư tiềm năng với quan điểm “tiền đẻ ra tiền”. Họ không ngừng chủ động tìm kiếm cơ hội, làm nhiều việc cùng lúc để gia tăng thu nhập cũng như sớm tự chủ cuộc đời mình.
Trên thực tế, bất cứ thế hệ nào cũng tồn tại những băn khoăn về tài chính khi bước sang độ tuổi trưởng thành. Gen Z không phải là ngoại lệ, thậm chí họ còn mang trên mình nhiều áp lực hơn trước sự thay đổi chóng mặt của xã hội hiện đại.
Trong một khảo sát The Conference Board, có đến 62% Gen Z cho biết họ đang lo ngại nguồn thu nhập đầu vào của mình sẽ không thể bắt kịp tốc độ lạm phát. Ngoài ra, một báo cáo khác của Gen Z Segmentation cũng chỉ ra những mối lo của Gen Z với vấn đề tiền bạc. Cụ thể, 52% Z-ers tỏ ra “hoảng loạn" tiền trong ví không đủ để tiêu xài, trong khi đó, có 39% Z-ers cảm thấy “rén” với suy nghĩ bản thân có thể đưa ra những quyết định chi tiêu sai lầm.
Gen Z là một thế hệ stress về tài chính. Tuy vậy, họ cũng đang cố gắng tìm ra cách xây dựng mối quan hệ “healthy” và những thói quen tốt với tiền bạc. Theo báo cáo của Morning Consult thực hiện vào 2/2024, Gen Z khá lạc quan về tương lai khi có tới 6/10 người được hỏi kỳ vọng vào tiềm lực tài chính của bản thân theo thời gian bởi họ đã bắt đầu thói quen tiết kiệm và đầu tư.
Thế hệ Z đang phá vỡ các định kiến xung quanh. Họ đưa tiền bạc "lên bàn" thảo luận cùng với các chủ đề từng được cho là nhạy cảm như giới tính, tình dục, và bất bình đẳng xã hội. Z-ers không ngại ngần “tuyên bố" về những mục tiêu tài chính “khủng" trong tương lai của mình và đặt ra một kế hoạch hành động chi tiết để hiện thực hóa ước mơ. Hoàng Quân (24 tuổi, Hà Nội) tự tin cho biết đã đặt ra cột mốc tự do tài chính trong 10 năm tới.
Trong khi đó, Hương Nguyễn (22 tuổi, Đà Nẵng) chia sẻ đã bắt đầu thảo luận về việc tích lũy và đầu tư tài chính với gia đình ngay khi vừa tốt nghiệp cấp 3:
Có thể thấy, Gen Z thật sự đang “hô mưa, gọi gió” trên sân chơi tài chính, từ chi tiêu đến đầu tư, không chỉ cập nhật mà còn tiên phong so với các thế hệ đi trước.
Đối với Gen Z, câu chuyện “làm cả tháng, thanh toán trong một ngày giảm giá", sau đó lại đếm từng ngày cho đến đợt lương tiếp theo có lẽ đã không còn xa lạ. Ở nhiều người, đó chỉ là vấn đề về quản lý chi tiêu hoặc cẩn thận trước bẫy tâm lý. Nhưng với một nhóm khác, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề khó kiểm soát hơn, ví dụ như kiểm soát tiêu dùng cá nhân. Các báo cáo chỉ ra rằng, Gen Z là một thế hệ “ẩm ương và mâu thuẫn”, đôi lúc chi tiêu rất cẩn trọng, thi thoảng lại “vung tiền” theo cảm tính, mua sắm “bốc đồng.”
Khác với những thế hệ trước, người tiêu dùng Gen Z không chỉ giới hạn sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà còn xem xét đến yếu tố giá trị trước khi tương tác với một thương hiệu mới trên mạng xã hội. Gen Z là một thế hệ có ý thức về đạo đức xã hội sâu sắc, có xu hướng tẩy chay quyết liệt một thương hiệu vi phạm chuẩn mực đạo đức hay khoác lên mình vẻ ngoài tích cực mà thiếu đi những hành động cụ thể. Bên cạnh đó, “KOLs cũng không phải là yếu tố chính khiến Zers bấm ‘cho vào giỏ’!”
Không chỉ với riêng Thu Huệ, hãy nhìn vào bảng top search dưới đây để hiểu rõ hơn về cách Gen Z ra quyết định mua sắm.
Gen X và Millennials đời đầu được coi là thế hệ “vượt khó”, khi đó tiền họ kiếm được chủ yếu phục vụ nửa dưới của tháp nhu cầu Maslow, bao gồm nhu cầu thiết yếu, nhu cầu an toàn và nhu cầu được kết nối xã hội.
Đến lượt Gen Z – thế hệ bị cộp mác “vượt sướng”, tiền dường như được cùng lúc phân bổ cho cả 5 cấp bậc nhu cầu, nếu không nói là có phần nhỉnh hơn cho nhu cầu thể hiện bản thân. Phương trình nhiều biến hơn tất yếu đòi hỏi tư duy tài chính phức tạp hơn. Cụ thể, nhìn vào khối lượng công việc ngày nay của người trẻ, chúng ta đều dễ dàng nhận ra, họ không chỉ có một công việc để “nuôi sống” mình mà thường có xu hướng làm nhiều việc cùng một lúc. Theo báo cáo của Kantar tháng 2/2023, 40% nhân viên Gen Z đang làm ít nhất 2 công việc.
Đối với Gen X và các thế hệ lớn tuổi hơn, việc có một công việc phụ (side job) để trang trải thêm cuộc sống không được xem là một điều đáng tự hào. Các công ty khi phát hiện ra nhân viên của mình đang “cá kiếm” thêm ở nơi khác thường cảm thấy bị phản bội, cho rằng nhân viên không thật sự tận tâm với công việc chính.
Trong khi đó, thế hệ Millennials đã làm thay đổi góc nhìn này bằng cách nâng tầm khái niệm "side hustle" và khởi xướng “nền kinh tế Gig” (Gig Economy), theo đuổi các sở thích và đam mê ngoài công việc chính, biến chúng thành các hoạt động kiếm tiền phụ trợ cho "công việc ban ngày" của họ.
Đến thời đại của Gen Z, xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến hơn, thậm chí còn có những thay đổi trong cách tiếp cận. Với Z-ers, tiền là công cụ, khẳng định bản sắc cá nhân mới là đích đến. Gen Z nhìn chung không chọn “khổ trước sướng sau” mà phải là “sướng khổ song hành”, hay nói cách khác gắn việc kiếm tiền và tiêu tiền, hưởng thụ cuộc sống song song với nhau. Bởi theo tuyên ngôn của Gen Z, “You only live once!”
Nếu trót đam mê một món đồ công nghệ mới ra, một mẫu giày “limited edition”, hay vé xem concert của thần tượng, một Gen Z điển hình nhiều khả năng sẽ sẵn sàng vay mượn để chốt đơn ngay và luôn, cùng lúc lên kế hoạch kiếm tiền để bù lại sau đó. Sẵn sàng trải nghiệm điều mới mẻ, sẵn sàng chạy theo trend, Gen Z là thế hệ khẳng định phong cách sống, cá tính riêng thông qua các lĩnh vực chi tiêu thường nhật.
Theo báo cáo của EY, với Gen Z, việc “enjoy” công việc vẫn là ưu tiên hàng đầu (67%). Thú vị thay, khẩu hiệu "làm giàu" đã leo thang nhanh chóng từ năm 2021 (32%) lên đến 44% vào năm 2023, trở thành mục tiêu nghề nghiệp được săn đón nhất. Tuy nhiên, Gen Z lại không đánh đồng khát vọng "kiếm được nhiều tiền" với việc muốn trở thành "triệu phú". Họ cho rằng “kiếm được tiền” để đảm bảo cuộc sống ổn định, vững chắc là mục tiêu quan trọng hơn cả.
Mục tiêu “trở thành triệu phú” chỉ “leo lét” ở cuối bảng giá trị cốt lõi của Gen Z, với chưa đầy 1/3 coi đó là điều hết sức quan trọng. Điều này tạo nên một sự tương phản đậm nét với thế hệ Millennials cùng độ tuổi tại thời điểm năm 2006. Theo một nghiên cứu của Pew Research, 8/10 Millennials được hỏi coi việc trở nên giàu có là kim chỉ nam đời mình.
Cũng theo nghiên cứu của Pew Research, việc Gen Z tập trung kiếm tiền đến từ nhiều yếu tố như tình hình kinh tế và thị trường việc làm biến động hiện nay. Bên cạnh đó, một số lượng lớn Gen Z gia nhập thị trường lao động chỉ đơn giản là vì đã đến tuổi lao động và kỳ vọng rằng bản thân sớm đạt được tự do tài chính. Đối với Gen Z, nỗ lực tăng thu nhập không phải để chạy đua với đồ hiệu hay xe sang, mà là một lá chắn bảo vệ sự ổn định và an toàn trong cuộc sống của họ.